Hàng giả bao vây tứ bề, doanh nghiệp lo 'tự cứu mình' là chính
Hàng thật bị mang tiếng vì hàng giả
Có tuổi đời 45 năm lịch sử, Công ty cổ phần khóa Việt - Tiệp (tiền thân là xí nghiệp khóa Hà Nội thành lập năm 1974) là doanh nghiệp sản xuất khóa lớn nhất Việt Nam hiện nay. Thế nhưng, cũng như nhiều công ty sản xuất khác ở Việt Nam, đi cùng với sự nổi tiếng của thương hiệu khóa Việt - Tiệp , công ty này cũng đối mặt với nạn hàng giả.
“Chúng tôi đã phải dùng nhiều biện pháp để chống lại nạn hàng giả”, ông Lê Doãn Hậu, Công ty CP Khóa Việt - Tiệp chia sẻ với PV.VietNamNet.
Chống hàng giả để bảo vệ sản xuất trong nước.
Ông Lê Doãn Hậu chia sẻ: Mặt hàng bị làm giả nhiều nhất của công ty chúng tôi là khóa tay tròn, hay còn gọi là khóa quả đấm. Những sản phẩm giả này được bán cho các thợ làm cửa nhôm rất nhiều. Họ lừa gia chủ đó là khóa Việt - Tiệp. Người thiệt thòi nhất vẫn là người sử dụng, bỏ tiền ra mà mua phải khóa giả.
“Có trường hợp người dân gọi đến Việt - Tiệp yêu cầu bảo hành sản phẩm, họ thắc mắc vì sao tôi mua khóa Việt - Tiệp mà nhanh hỏng vậy, được 1-2 tháng đã hỏng. Khi chúng tôi cử nhân viên kỹ thuật về xem, thì bóc ra toàn thấy khóa giả”, vị này kể lại, “Như thế, chúng tôi phải tốn nhiều thời gian đưa người về, tháo ra cho người dân xem, phân tích cho họ biết đâu là thật đâu là giả”.
Không những thương hiệu bị mang tiếng, doanh thu của những doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả cũng ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đây chỉ là một ví dụ trong vô số dẫn chứng về tình trạng hàng giả lộng hành, từ thực phẩm đến hàng tiêu dùng, điện tử, điện lạnh... Trong số đó, nhiều mặt hàng bị làm giả từ Trung Quốc rồi nhập lậu về Việt Nam. Lực lượng Hải quan cũng bắt được nhiều vụ việc nhưng vẫn không thấm vào đâu.
Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy, những tháng đầu năm 2019, hàng nghìn sản phẩm giả các thương hiệu nổi tiếng bị lực lượng này thu giữ tại chợ đầu mối Ninh Hiệp, Hà Nội; Truy quét lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại 02 Trung tâm mua sắm ở Móng Cái, Quảng Ninh; Đột kích Sài Gòn Square, thu giữ hàng nghìn sản phẩm giả mạo nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng...
Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch CLB Tiếp thị & Truyền thông Việt Nam, cho rằng: Trước hết phải khẳng định một thương hiệu nếu xuất hiện hàng giả hàng nhái có nghĩa là thương hiệu đó đã và đang có những vị thế nhất định đối với khách hàng và đang có rất nhiều tiềm năng phát triển, mở rộng. Trường hợp của Việt-Tiệp là một ví dụ. Còn ở mặt tiêu cực, hàng giả, hàng nhái làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng vào chất lượng, thương hiệu; giảm cơ hội mở rộng thị phần - cũng chính là ảnh hưởng tới các mục tiêu doanh số, lợi nhuận của doanh nghiệp.
Quét mã để kiểm tra hàng thật - hàng giả.
Phải chống được hàng giả, bảo vệ doanh nghiệp chân chính
Ngoài in tờ rơi phân biệt khóa thật - khóa giả, gửi văn bản đến cơ quan chức năng, đại diện Công ty CP khóa Việt - Tiệp cho biết: “Chúng tôi cũng đã áp dụng ứng dụng công nghệ kiểm tra nguồn gốc sản phẩm thông qua điện thoại thông minh. Người tiêu dùng chỉ mở điện thoại quét mã QR (tem trên khóa), tức thì điện thoại sẽ hiển thị thông tin về chủng loại. Tiếp tục cào lớp nhũ bạc để quét tem xác thực thứ 2, trên điện thoại sẽ hiển thị hình ảnh và thông tin xác nhận. Vì mỗi sản phẩm chỉ có một mã duy nhất, do đó, khách hàng có thể nhận được thông báo chính xác có là hàng chính hãng hay không, kèm theo đó là mẫu điền thông tin bảo hành điện tử”.
Theo ông Trần Anh Tú, ngoài các biện pháp truyền thống như in tờ rơi, hiện nay có rất nhiều các biện pháp về mặt công nghệ cũng như truyền thông để thương hiệu có thể phòng chống hàng giả, hàng nhái. Các biện pháp công nghệ có thể kể đến như sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc; mã vạch-mã lô kiểm tra qua các ứng dụng; một số sản phẩm có thể kích hoạt bảo hành điện tử; kích hoạt bảo hành qua tổng đài…
Về mặt sản xuất, thương hiệu nếu đủ tiềm lực tài chính và theo nhu cầu thị trường cũng có thể liên tục cho ra các mẫu sản phẩm cải tiến, mẫu mới theo định kỳ; đăng ký bằng sáng chế, các công nghệ sản phẩm độc quyền.
Đối với cơ quan chức năng, ông Trần Anh Tú cho rằng cần có chế tài mạnh hơn nữa trong việc xử phạt các vi phạm - ở tất cả các khâu của việc sản xuất lưu hành hàng nhái hàng giả. Ví dụ trong trường hợp không bắt được nhà sản xuất nhái (thường xuất xứ từ Trung Quốc) thì có thể phạt thật nặng đối với các điểm bán lẻ.
Hàng giả gây ra nhiều hệ lụy, cho nên phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (cuộc vận động) ngày 2/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã phải lưu ý tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn diễn ra ở nhiều nơi. Điều này đánh vào uy tín của hàng Việt, đánh vào sản xuất của người Việt Nam. Cho nên ông Trần Quốc Vượng yêu cầu các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh chống lại hàng giả, tránh tình trạng hàng giả “người ta sản xuất mấy năm liền, tại địa bàn dân cư như thế mà chính quyền không biết được”.
Lương Bằng - Theo Vietnamnet